“Muôn màu nghề giáo – phần 1”. Thương gửi đến những “người lái đò” trên mọi miền đất nước.
Và Sang bật khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc.
“Mình đã là thầy giáo”.
….
Ba của Sang – chú Tám làm nghề chạy xe ôm nên suốt ngày ở ngoài đường kể cả cuối tuần, hầu như chú rất ít khi ở nhà. Vào những năm 2000, nghề xe ôm vẫn rất phổ biến và có thu nhập tương đối ổn định nên chú Tám không dám nghỉ, có khách gọi là chú chở liền, không nề hà trời chưa sáng, gần nữa đêm hay đường xá xa xôi. Gia đình ông nội Sang có tận bảy người con, mà chú Tám lại là con út nên ông bà đã mất sớm khi chú còn đang còn nhỏ, nên chú không được học hành đầy đủ, phải bươn chải kiếm việc làm từ những năm 12-13 tuổi. Cũng như bao cha mẹ khác, chú Tám mong Sang và em trai được học hành tử tế và có cuộc sống tốt hơn sau này, không phải vất vả như chú.
Từ khi còn nhỏ, Sang đã rất thích chơi cầu lông, tuy chưa được cầm vợt bao giờ nhưng hễ khi nào đi ngang những chỗ người ta chơi cầu lông thì Sang đều dừng lại nhìn chăm chú, mê mẫn với những cú đánh sắc lẹm, những cú đập cầu chan chát và cả những cú trả bóng sát lưới. Tới năm 2002, khi Sang lên 10 tuổi thì được chú Tám mua cho cặp vợt đánh cầu lông. Vì nhà nghèo nên đối với Sang đây là món quà hiếm hoi mà Sang có được, Sang vui tới mức mà ngày nào đi học xong cũng rủ bạn bè đánh cầu lông, đôi khi tối mịt mới về làm cho cô Tám ở nhà rất lo lắng. Vào năm 2004, Sea Games được tổ chức ở Malaysia, Sang coi đầy đủ không sót trận cầu lông nào. Đã đánh cầu gần 2 năm, nhưng đây là lần đầu Sang biết tới Tiến Minh, vận đồng viên cầu lông nhỏ bé nhưng có lối di chuyển linh hoạt, bỏ cầu rất khôn khéo vào góc chết khiến cho đối thủ hoàn toàn bó tay. Năm đó, Tiến Minh đoạt huy chương vàng Sea Games môn cầu lông. Sang vừa lên trường là kể ngay tin tức này cho mấy đứa bạn đánh cầu lông chung:
“Ê bây, môn cầu lông ông Tiến Minh Việt Nam vô địch Sea Games nè, sao tao không biết ổng ta”
“Mày không biết Tiến Minh thiệt hả? Ổng vô địch quốc gia năm 2002 đó, ai mà không biết” – một thằng bạn bũi môi, mấy thằng khác cũng cười.
“Vậy hả?…..” – Sang chùng xuống có phần ngậm ngùi. Thực ra, do nhà Sang lúc đó chưa mua được Tivi nên Sang hầu như không biết tin tức gì.
Từ bữa Tiến Minh vô địch tới nay, Sang phấn khích cực độ. Hồi trước, Sang chỉ đánh cầu lông với bạn bè cho vui là chính, còn bây giờ Sang nghiêm túc hẳn. Trong đầu Sang, chỉ toàn cầu lông mà thôi, trong giấc mơ Sang cũng thấy mình đang đánh cầu lông, thậm khi đi vệ sinh Sang cũng nghĩ về cầu lông, trên tường nhà Sang chi chít ảnh của Tiến Minh. Cô Tám ngày càng lo lắng, thấy Sang học hành giảm sút đi nhiều, mà ngày nào cũng đánh cầu lông, cuối tuần sau khi phụ mẹ bán xong là Sang như mất tích luôn.
Ban đầu, chú Tám cũng thấy Sang toàn đi đánh cầu lông nên không vui, đời chú vất vả nhiều rồi, chú chỉ muốn Sang chăm chỉ học hành cho giỏi để để có một cuộc sống tốt hơn. Chú nhìn quanh chú, thấy đúng là người ta ham làm kỹ sư bác sỹ là đúng thiệt, chú thấy ai làm kỹ sư bác sỹ nhìn cũng giỏi giang, có học thức, giàu có, chả giống thằng xe ôm như mình. Chú cũng mơ thằng Sang của chú cũng làm kỹ sư, bác sỹ cho bằng với người ta, chứ cứ đi đánh cầu lông cũng lông bông quá, cả nước thì chỉ có một Tiến Minh. Nhưng trong lòng chú lại có một băn khoăn khác, chú thấy là Sang thực sự yêu thích môn cầu lông, bắt nghỉ thì cũng tội nghiệp. Chú lại thở dài….
….
Như có anh bộ đội nào đó viết thư về nhà đã nói: “thời gian trôi nhanh như chó chạy”, thấm thoát đó mà Sang đã trở thành sinh viên năm nhất của Đại học Thể dục thể thao, chuyên ngành cầu lông. Ngày Sang từ quê lặn lội lên quận Thủ Đức, chú Tám đích thân chở Sang lên bằng con Dream đã theo chú sau nhiều năm tháng. Hai cha con lên Thành phố mà lòng đầy háo hức, Sang sẽ không phải là kỹ sư bác sỹ nhưng cũng đã đậu được vào Đại học Thể dục thể thao, làm chú Tám vui âm ỉ trong lòng, vùng quê nghèo của chú không mấy ai đậu được Đại học, “Đại học nào cũng là Đại học”, cứ nghĩ tới điều đó chú lại mỉm cười. Trong lòng Sang cũng vui không kém, trước giờ ở quê Sang chỉ đánh cầu lông với tụi bạn, trình độ của Sang đã ăn đứt bạn bè rồi. Nhưng mỗi lần coi Tivi, Sang lại thấy trình độ cầu lông của mình vẫn còn kém quá, vào được Đại học Thể dục thể thao, Sang sẽ có những huấn luyện viên giỏi để huấn luyện cho mình. Từ đây, Sang quyết chí sẽ trở thành vận động viên cầu lông chuyên nghiệp,
….
[…] “Chấn thương lần này rất nặng, em ấy vẫn có thể đi đứng bình thường được nhưng không thể nhanh nhẹn như trước được nữa, và điều chắc chắn là cũng không thể luyện tập nặng được nữa. Nếu chấn thương tái phát thì sẽ nặng hơn và lúc đó thì vô phương” – bác sỹ thở dài với thầy của Sang trước khi vào phòng mổ.
….
Dù bị chấn thương nặng không chơi cầu lông chuyên nghiệp được nhưng lúc đó cũng đã cuối năm tư, Sang đã hoàn thành xong chương trình nên vẫn tốt nghiệp bình thường. Ngày tốt nghiệp cũng chỉ có chú Tám lên, cô Tám và em của Sang vẫn ở nhà bán hàng vì sợ nghỉ mất khách. Thêm nữa là Sang gọi điện về nhà nói rằng chỉ ba lên thôi cũng được, mẹ và em khỏi cần lên chi cho rườm rà, nhà mình ở xa. Dù được bạn bè an ủi nhưng ngọn lửa trong lòng Sang dường như đã nguội tắt, nên không chụp hình với bạn bè tấm nào. Hai cha con chỉ chụp với nhau một tấm hình tốt nghiệp rồi lặng lẽ về, cũng trên con Dream hồi đó, chỉ khác là bốn năm trước con Dream này chở một người thanh niên với bao ước mơ hoài bão, còn bây giờ là thanh niên thất chí, u sầu. Đường về quê dài vời vợi…
….
Sức khỏe chú Tám bắt đầu yếu dần, Sang cũng đã thay chú Tám chạy xe ôm, ngồi ở vị trí mà chú Tám hay ngồi trước kia. Khách chạy xe chủ yếu là những người trong thôn xóm nên cũng hiểu hoàn cảnh của Sang, nên thu nhập của Sang vẫn ổn. Khi chạy xe ngang qua chỗ có tụi nhóc đánh cầu lông, Sang phải kéo ga thật nhanh để thoát khỏi chỗ đó, thoát khỏi sự khát khao cháy bỏng một thời nhưng đã bị cơn chấn thương dập tắt.
….
Trường cấp 3 của Sang học hồi đó chỉ là một ngôi trường tồi tàn, những năm gần đây đã được thêm ngân sách để xây dựng lại trường để cho sạch đẹp và khang trang hơn. Quan trọng nhất là thể dục cấp 3 có bổ sung thêm môn cầu lông, sân thì đã làm xong mà vẫn chưa kiếm được giáo viên đúng chuyên ngành, hiện giờ thầy giáo dạy sử phải kiêm luôn thầy giáo thể dục. Thầy hiệu trưởng bây giờ cũng là thầy hiệu trưởng năm đó của Sang, thầy vẫn nhớ cậu bé Sang năm nào cúp học chỉ để đánh cầu lông bị mời phụ huynh nên có ý mời Sang làm giáo viên môn thể dục.
….
Sang đã trở thành thầy giáo cấp 3, chú Tám rất là vui mừng. Thầy giáo luôn là nghề được mọi người kính trọng, ở xứ khỉ hò cò gáy này có rất ít trường học và giáo viên, chỉ một trường cấp 1, một trường cấp 2 và một trường cấp 3. Chú Tám đã thôi không còn nhắc tới cụm từ “kỹ sư, bác sỹ” mà chú hay ao ước nữa, dù gì Sang cũng là thầy giáo rồi. Chú vẫn hay nói với mọi người rằng Sang làm thầy giáo, chú còn vui hơn cả Sang làm vận động viên cầu lông chuyên nghiệp. Năm nay là năm đầu tiên Sang làm thầy giáo, Sang chỉ mới dạy từ tháng 9, mỗi tuần chỉ chỉ dạy có 2 tiết cho mỗi lớp và Sang mở thêm câu lạc bộ cầu lông trong trường để cho các bạn không phải học sinh trong trường hoặc những người đã đi làm yêu thích môn cầu lông cũng được tham gia. Chẳng mấy chốc thì 2 tháng trôi qua, tháng 11 tới rồi. Sáng ngày 20-11 năm nay, các em học sinh không đi học nhưng sẽ cùng nhau lên trường tham dự lễ 20-11. Sáng đó, Sang dậy sớm, ủi quần áo thật phẳng rồi chạy con Dream cũ năm nào của chú Tám lên trường, lòng cảm thấy khoan khoái lạ kỳ. Có lẽ sự u sầu của việc không thể trở thành vận động viên cầu lông chuyên nghiệp trong lòng Sang đã vơi bớt đi rất nhiều. Sau khi buổi lễ kết thúc, các học sinh bắt đầu lên tặng hoa và quà cho các thầy cô, Sang được vài học sinh lên tặng hoa, chủ yếu là từ các bạn học sinh trong câu lạc bộ cầu lông. Dù đã làm thầy giáo được hai tháng, Sang vẫn cảm giác mình chỉ như người hướng dẫn mà thôi. Nhưng ngay giây phút này đây, Sang bỗng có một cảm xúc lạ lùng, cay cay nơi sống mũi, và rưng rưng trong khóe mắt.
Và Sang bật khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc.
“Mình đã là thầy giáo”.
(Ảnh minh họa từ Internet)
Thông tin về Chương trình học, chính sách tài chính & đặt hẹn thăm trường
Cơ sở 1:
Trường MN Vườn Yêu Thương Montessori: 860/42/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25, Quận Bình Thạnh, TpHCM
Tel:
Cơ sở 2:
2672/1B Quốc Lộ 1A, Khu phố 4, P. An Phú Đông, Q.12, TpHCM
Tel: