Giờ hoạt động

T2-T6: 7.00 AM – 5.00 PM
T7-CN: Trường nghỉ

Tương tác với nhà trường

menu
Close
Loading...

Muôn màu Nghề giáo – phần 2

Muôn màu nghề giáo – phần 2 (Tiếp theo phần 1 về câu chuyện của thầy giáo Sang dạy môn thể dục)

Thương gửi đến những “người lái đò” trên mọi miền đất nước.

Mình chơi với Quang từ hồi học cấp 2, dù người ta thường nói “trời không cho ai tất cả”, nhưng nó lại hội đủ các yếu tố ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi lẫn đẹp trai nên coi như là mẫu học sinh hoàn hảo. Từ nhỏ, Quang đã ước mơ trở thành giáo viên, và ước mơ đó cũng khá phù hợp với tính cách của nó. Khi bạn nào đó không hiểu bài mà sợ cô la không dám hỏi cô, hoặc đôi khi do cô giảng bài khó hiểu quá thì bạn bè thường nhờ Quang giảng lại. Quang luôn cố gắng dùng những hình ảnh sinh động, những từ dễ hiểu và thân thuộc với bạn bè để nói lại vấn đề nên mọi người đều thích nhờ Quang giảng lại bài. Tính Quang cũng dễ gần nên hầu như bạn nào trong lớp cũng có đôi lần nhờ Quang. Còn mình thì thời đó học lực cũng trung bình thôi, lần đầu tiên lên cấp 2 khi chuyển về cùng lớp với nhau thì trong đầu đã choáng ngợp với năng lực của Quang: “thằng này đọc sách nhanh thật, mình mới đọc được mấy trang mà nó đọc tới nửa cuốn rồi”.

Thời gian thắm thoắt thoi đưa, mới đó thôi mà giờ này mình và Quang đã chuẩn bị đi thi Đại học. Quang thích nghiên cứu sâu, tìm hiểu bản chất vấn đề nên đã thi vào trường Đại học Tổng hợp, và mục tiêu là cố gắng học tốt để trở thành giảng viên, vừa được thỏa mãn nghiên cứu lại vừa có thể dạy học, truyền thụ kiến thức của mình cho người khác. Mình thì học lực trung bình, nên chỉ chọn thi một trường Đại học làng nhàng hơn, vì tính mình an phận, ước mơ chỉ là học Đại học nào đó, tốt nghiệp đi làm rồi lấy vợ sinh con, sống những ngày tháng nhàn hạ. Những năm 18 tuổi đầu đời, niềm vui cũng thật là đơn sơ, mình và Quang đều đậu được trường Đại học mà bọn mình mong muốn, hai đứa sướng rơn nghĩ rằng bản thân đã làm được một việc to tát lắm, trong lòng đều có một sự kiêu ngạo không nhỏ. Nhiều khi ngẫm lại thì đậu Đại học cũng là một bước đệm tốt nhưng nó không quan trọng và lớn lao như bọn mình hồi đó vẫn thường nghĩ.

Những năm đại học trôi qua khá êm ả với Quang, lúc nào Quang cũng được điểm cao thuộc top trong khoa nên được thầy cô để ý chú trọng bồi dưỡng, và kỳ nào Quang cũng nhận được học bổng. Còn mình thì học dở lẫn lười biếng nên bị nợ môn rất nhiều, học tới gần 6 năm mới tốt nghiệp được. Ngày Quang tốt nghiệp thì mình mới chỉ mới đi được hai phần ba quãng đường, hồi đó cũng hay so sánh, nên bạn tốt nghiệp xuất sắc mà mình thì lại đang lao đao nên tủi thân không thể kể hết.

Giấc mơ của Quang được thực hiện một cách nhẹ nhàng và thuận lợi. Quang được giữ lại trường, làm giảng viên, đồng thời được học tiếp lên Thạc sỹ mà không phải đóng học phí. Lúc đó thấy bạn thành công thì mình cũng có chút buồn, nhưng thời đó cũng không suy nghĩ gì nhiều nên hai thằng vui chơi liền cả tuần sau khi Quang nhận quyết định chính thức làm trợ giảng ở trường Tổng hợp. Bọn mình nhậu nhẹt say khướt ở ngày đầu tiên, nằm luyện hết bộ Thiên Long Bát Bộ vì trong phim có bạn Lưu Diệc Phi xinh đẹp như trong truyện cổ tích bước ra, uống hết cả mấy thùng Coca trong tuần tiếp theo. Hết tuần thì hai thằng nghiêm túc trở lại, Quang bắt đầu giáo án đi dạy, còn mình thì cũng ráng học để học để trả nợ môn.

Ban đầu Quang rất chăm chỉ, giảng bài rất tâm huyết, luôn tìm cách để bài giảng sinh động hơn. Trong năm đầu tiên thôi, Quang là giảng viên duy nhất có số sinh viên đi học đủ 100%. Trớ trêu ở chỗ, do Quang thực sự tâm huyết với nghề giáo nên sự hứng khởi lại mất đi nhanh hơn. Quang cho rằng nội dung giảng dạy hiện giờ là quá khô khan và cứng nhắc nên đã nhiều lần để xuất thay đổi cách tiếp cận, nhưng lại bị từ chối mà không có lý do rõ ràng. Mãi sau, Quang mới biết rằng là khoa có đề xuất lên trường, nhưng trường cho rằng đây là môn cơ sở không cần phải  đầu tư nhiều đến như vậy. Đối với môn thí nghiệm, Quang cũng đề xuất mua bộ thí nghiệm chuẩn hơn để sinh viên có thể hiểu tốt hơn, nhưng cũng nhiều lần bị ngăn cản với lí do không đủ ngân sách. Tâm huyết của Quang ngày càng đi xuống, Quang chỉ cố gắng tối đa trong khả năng của mình, có những lúc sinh viên học hào hứng thì Quang cũng thấy vui, nhưng dần dần môn Quang dạy chỉ là môn cơ sở, nên sinh viên đã không còn mặn mà lắm nữa. Quang luôn dằn vặt mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người thầy, không truyền lửa được cho sinh viên một thái độ học tập và nghiên cứu đúng đắn. Số sinh viên học môn cơ sở ngày càng ít, Quang cũng ngày càng thất vọng chính với bản thân mình, khi mới đi dạy Quang tâm huyết biết bao nhiêu thì giờ đây Quang lại bỏ bê việc dạy bấy nhiêu. Thay vì tập trung nghiên cứu giảng dạy, Quang lại giành nhiều thời gian trốn trong phòng ngồi đọc phương pháp giáo dục của các nước phương Tây, cố gắng hiểu vì sao nước Đức từ kẻ thua cuộc ở Thế chiến thứ 2 lại vươn lên trở thành xương sống của cả châu Âu, còn Nga hay Pháp thì lại rất mạnh về khoa học cơ bản. Cổ nhân đã nói “ngu si hưởng thái bình” nên khi càng hiểu được tính ưu việt của các Đại học ở phương Tây, Quang lại càng bất mãn với tình trạng hiện tại của mình, lúc nào Quang cũng cảm thấy như bị trói buộc trong một nền học thuật thiếu tự do, thiếu ý chí lẫn sự sáng tạo.

Ngày tháng dần trôi, rồi thì Quang cũng lấy vợ và sinh con. Khi biết vợ mình mang thai, Quang bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp giáo dục cho trẻ em. Quang đi từ phương pháp giáo dục truyền thống của Israel, Bắc Mỹ cho tới Bắc Âu, rồi lại đọc về các nhà giáo dục tiên phong, từ Horace Mann, John Dewey cho tới Jerome Bruner, Quang còn đọc cả các phương pháp giáo dục Montessori, Steiner, Reggio, Shichida, Glenn Doman. Cuối cùng, Quang quyết định chọn phương pháp Montessori và đào sâu về nó. Trong đầu Quang lúc này như bình mình bừng sáng sau một đêm mưa gió bão bùng, “à, có thể đào tạo trẻ ngay từ nhỏ với phương pháp đúng đắn và tình thương yêu” chứ không phải là “trời sinh voi sinh cỏ” như trước giờ Quang vẫn quan niệm, càng đọc càng cảm thấy các phương pháp giáo dục tiên tiến này rất hay. Thời gian đó thì mình cũng đã tốt nghiệp đi làm được vài năm, công việc cũng ổn định nên cuối tuần mình và Quang vẫn hay đi café. Mình thì trước giờ yêu thích văn hóa Nhật Bản, nên kể cho Quang một câu chuyện từ thời Minh Trị, đó là một làng nọ vì mọi người rất nghèo nên muốn thay đổi, trưởng làng tập hợp mọi người lại và hỏi rằng chúng ta nên làm gì để thế hệ sau tốt hơn. Sau khi mọi người bàn bạc xong thì thống nhất rằng học tập là con đường duy nhất để tiến lên. Cuối cùng, trưởng làng tuyên bố với tất cả mọi người rằng từ nay trẻ con không phải làm việc ngoài đồng nữa, mà mọi công việc đều do người lớn đảm trách, mỗi người lớn đều phải làm việc gấp đôi gấp ba để trẻ em chỉ tập trung học hành. Sau này cải cách Minh Trị, nông dân lần đầu tiên được đứng bình đẳng trước tầng lớp võ sỹ và quí tộc, làng quê nhỏ bé nghèo nàn năm nào đã trở thành nơi cung cấp nhân tài cho cuộc cải cách. Mình chỉ tiện miệng kể chuyện cho vui vậy thôi, bỗng thấy Quang nước mắt rưng rưng, mình cũng không để ý lắm, sau này mới biết là trong lòng Quang đã có sẵn kho xăng, mình vừa mới thả một que diêm nho nhỏ vô trong đó.

Mẹ Quang là mẫu người phụ nữ truyền thống, dịu dàng đảm đang nên cũng hiếm khi dám thay đổi, hoặc thử cái mới. Sau khi nghe tin vợ chồng Quang bỏ dạy Đại học chuyển qua dạy mầm non và tiểu học theo phương pháp giáo dục thì cô gần như ngất xỉu, tựa hồ như có cái gì đó mạnh lắm mới táng vào đầu cô. Vì mình học chung với Quang một thời gian dài, nên cô cũng rất là thương mình, nghe tin cô suy sụp, mình có ghé nhà thăm.

“Cô nói nó nhiều rồi mà nó không nghe, con là bạn thân của nó, con ráng khuyên răn nó giùm cô nha con” – mẹ Quang nước mắt lưng tròng, câu nói có ý van lơn, mình nghe cũng cảm thấy vô cùng xót xa.

“Dạ, cái này….” – mình biết rằng đây là điều mà thằng bạn hằng ấp ủ từ lâu, không phải là một quyết định bồng bột nhất thời, sao mà mình có thể can thiệp cho được.

“… con sẽ thử xem sao” – mình trả lời như vậy để dứt điểm việc này, mình rất hiểu tâm trạng của mẹ Quang và cũng cảm thấy nếu từ chối thẳng thừng thì làm cho tâm trạng của cô tệ thêm mà thôi.

Nếu không phải vì bận quá thì mình và Quang vẫn gặp nhau uống café đều đặn mỗi cuối tuần. Tất nhiên là mình cũng kể chuyện mẹ Quang nhờ mình khuyên giải.

“Tao đồng ý cho cô đỡ buồn thôi, chứ không ráng khuyên nhủ mày làm gì.” – tôi nói mặt lạnh tanh

“Ờ”, nó chỉ đáp gọn như vậy thôi, cái mặt thì cười toe toét.

Giáo dục Đại học tuy quan trọng nhưng nó chỉ có hiệu quả khi một sinh viên có một nền tảng tốt. Thật là đau lòng rằng khi nói về giáo dục, người ta cứ nghĩ rằng chỉ dạy về học thuật, đó là một sai lầm. Giáo dục phải bao gồm sự thực hành về đạo đức, sự rèn luyện về tính cách, phải cho người học tập quan sát, tìm kiếm và khám phá thế giới tự nhiên, cho học sinh tưởng tượng về một thế giới muôn màu muôn vẻ nơi mọi người yêu thương nhau. Mình tin rằng quyết định của Quang là đúng đắn, các bạn sinh viên không còn gặp thầy Quang trên giảng đường đại học nữa nhưng các bạn nhỏ lại có thêm một người thầy hiền lành, yêu trẻ, tâm huyết và cực kỳ giỏi để xây dựng nên một thế hệ tương lai, những con người Việt Nam tự tin, thông minh và sáng tạo. Mình tin rằng đất nước đã không mất một thầy giáo nào, đổi lại đã có thêm một thầy giáo đắc đạo.

Bạn bè thỉnh thoảng nghe tin về Quang lại ngạc nhiên hỏi chuyện mình. Mình chỉ mỉm cười:

“À, nó đã tìm ra sứ mệnh cuộc đời của nó rồi. Đó là đạo tạo nhân tài từ mầm non cho đất nước.”

Chia sẻ:
  • Chia sẻ qua viber bài: Muôn màu Nghề giáo – phần 2
  • Chia sẻ qua reddit bài:Muôn màu Nghề giáo – phần 2

ĐĂNG KÝ ĐỂ NHẬN TƯ VẤN NGAY

Thông tin về Chương trình học, chính sách tài chính & đặt hẹn thăm trường

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tuyển sinh Cơ sở 1 - P25 Bình Thạnh

TUYỂN SINH BÉ TỪ 18 THÁNG – 4 TUỔI NHẬP HỌC TỪ THÁNG 08/2023 cho Cơ sở 1 tại phường 25, Quận Bình Thạnh. VƯỜN YÊU THƯƠNG MONTESSORI KHÔNG CHỈ LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC, MÀ ĐÂY CHÍNH LÀ NƠI MÀ SẼ: GIÚP CON TRẺ TỰ...
Xem thêm

Tuyển sinh Cơ sở 2 - An Phú Đông Q12

TUYỂN SINH BÉ TỪ 18 THÁNG – 5 TUỔI NHẬP HỌC TỪ THÁNG 03/2022 cho Cơ sở 2 tại phường An Phú Đông, Quận 12. VƯỜN YÊU THƯƠNG MONTESSORI KHÔNG CHỈ LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC, MÀ ĐÂY CHÍNH LÀ NƠI MÀ SẼ: GIÚP CON TRẺ TỰ...
Xem thêm

Bạn thân (Chuyên mục: Đọc truyện cùng bé)

BẠN THÂN (CHUYÊN MỤC: ĐỌC TRUYỆN CÙNG BÉ) Lớp An có một học sinh mới chuyển đến. Bạn ấy tên là Mai. Nhưng Mai không được các bạn thích vì người bạn ấy luôn tỏa ra mùi hôi. Hôm nay, trong giờ ăn trưa, Mai ...                    
Xem thêm

Xin đừng khép cửa (Chuyên mục: Đọc truyện cùng bé)

XIN ĐỪNG KHÉP CỬA (CHUYÊN MỤC: ĐỌC TRUYỆN CÙNG BÉ) Có một cô gái, do gặp một số biến cố buồn đau trong gia đình nên cô nên cô đã sống với một khuôn mặt cứng đờ, hầu như vô cảm. Một hôm đang lái ...                    
Xem thêm