Muôn màu nghề giáo – phần 3 – chương tiếp theo và hết.
Thương gửi đến những “người lái đò” trên mọi miền đất nước.
Ở làng quê nghèo, mọi người quanh năm chỉ biết có việc ruộng đồng, những người trai trẻ trong làng, lớp thì lên thành phố học Đại học Cao đẳng, lớp thì lên Bình Dương và các tỉnh lân cận làm công nhân. Tuy thu nhập không cao, nhưng so với đồng tiền bán lúa ở quê thì làm công nhân vẫn đỡ hơn nhiều. Làng xóm nơi nơi vắng vẻ đìu hiu vì thanh niên đi hết, chỉ còn người già, trẻ em và một ít phụ nữ mà thôi. Bỗng một ngày chẳng biết tin tức từ đâu tới, mọi người râm ran rằng người ta chuẩn bị xây dựng một nhà máy sản xuất đường mía gần làng. Cuối năm thì đúng là có một công ty đường mía chuẩn bị xây nhà máy thật, bác chủ tịch xã giải thích rằng người ta chọn xây nhà máy đường ở đây là vì đây là nơi giữa chỗ trồng mía và chỗ phân phối đường cho thị trường, thuận lợi đường xá sẽ tiết kiệm chi phí. Mọi người đến đình làng nghe xã phổ biến thế thôi, chứ cũng không ai quan tâm lắm vì nhà máy cũng xa cánh đồng, không ảnh hưởng gì tới việc đồng áng của mọi người.
Từ khi bắt đầu khởi công tới nay, không biết từ đâu mà người kéo về nườm nượp, cũng phải thôi, phải có người thì mới xây dựng được nhà máy chứ. Mọi người trong làng không thích sự xuất hiện của người lạ, tổ tiên những người trong làng đã sống ở đây từ thuở khai thiên lập địa, làng vẫn yên tĩnh như ngày nào, mọi người đều quen biết hay thậm chí có họ hàng với nhau, và từ trước tới nay không có ai mới tới đây cư ngụ cả. Nhiều gia đình, vợ chồng đi vô Nam làm công nhân hết, ông bà khi mệt không ru cháu được cũng phải bật bài hát “chị tôi” của nhạc sỹ Trần Tiến để dỗ các cháu ngủ:
“Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu.
Để chị tôi ngóng trông mắt lệ nhòa.
Hàng cau đau trái cau, bao lá trầu buồn rơi theo.
Chị tôi chưa lấy chồng.”
Những người làm công trình chỉ ở tạm bợ mà thôi, hết công trình này họ lại theo công trình khác lang bạt khắp nơi khắp chốn, mà giờ chồng của các chị em trong làng cũng đã vào Nam làm công nhân hoặc nghề khác, các chị em thui thủi một mình nên các chị em cũng sợ người lạ. Tuy là vậy nhưng cũng có nhiều người đi làm công trình vẫn dẫn vợ con theo, họ ở trong các ngôi nhà tạm bợ được làm đơn sơ xung quanh công trình. Ban đầu, các gia đình kiểu như vậy còn ít, nhưng dần dần số lượng các gia đình này tăng chóng mặt, nhiều người trong làng cảm thấy ngột ngạt như thể xuất hiện một làng mới bên cạnh họ vậy.
Thảo vẫn con trẻ, cô chỉ mới 24 tuổi mà thôi. Chồng Thảo cũng đi xa, nhưng anh không vào Nam làm công nhân như những gia đình khác mà anh là sỹ quan biên phòng, quanh năm ở biên cương tổ quốc thỉnh thoảng có ngày nghỉ phép mới về thăm gia đình. Ban đầu, chồng Thảo học hết cấp 3 rồi đi nghĩa vụ, ở đơn vị anh chăm chỉ, thật thà, chân chất và tuân thủ kỷ luật nên được cấp trên để ý, hết thời gian nghĩa vụ anh được chỉ huy cho đi học lớp sỹ quan. Đối với một người xuất thân từ gia đình nông dân như anh, trở thành sỹ quan là vinh dự cho anh, cho dòng họ và cả thôn làng. Sau khi tốt nghiệp được một thời gian ngắn thì anh lấy Thảo, một cô gái cùng xóm gần nhà, nhưng vì là sỹ quan biên phòng, nên anh quanh năm ở biên giới, ít khi về thăm nhà. Hiện giờ Thảo và đứa con gái 3 tuổi – cái Thơ, vẫn đang sống với cha mẹ chồng, đây là một cuộc sống phổ biến ở làng quê, dù nhà cha mẹ ruột Thảo chỉ cách đó một quãng không xa. Anh trai của chồng Thảo thì quyết chí vào Nam, nên đã mang theo cả vợ con vô Bình Dương từ rất lâu, nên Thảo cũng nghĩ là để cha mẹ chồng sống một mình cũng không đúng, ở quê người ta thường hay lời ra tiếng vào những việc như vậy.
Không giống như phim trên truyền hình mà chúng ta thường xem, một câu chuyện gia đình hạnh phúc về anh sỹ quan biên phòng với một cô giáo dịu dàng nết na cùng với các đứa trẻ, Thảo chỉ học hết 12 rồi ở nhà làm ruộng, chồng Thảo thương Thảo vì cô hiền lành, lại chịu khó làm lụng, giờ cha mẹ anh chỉ sống một mình, cũng cần có con cái trong nhà để trông nom. Cha mẹ chồng của Thảo rất phong kiến, mẹ chồng rất khắt khe với Thảo từ đi đứng, lời nói đến miếng ăn. Sâu thẳm trong tâm hồn bà, người phụ nữ sinh ra đã khổ, bị người ta chà đạp là chuyện bình thường. Bà chấp nhận tư tưởng đó, nên chưa một lần trong đời dám cãi chồng hay cãi nhà chồng, mọi việc bà đều dạ thưa đáp ứng hết dù nhà chồng đòi hỏi vô lý thế nào. Cha chồng Thảo thì không phải là người khắt khe, nhưng ông rất gia trưởng và nóng tính, có lần ông hất cả canh nóng vào bà vì bà nấu quá mặn.
Tới mùa vụ thì Thảo vẫn ra đồng, nhưng khi hết vụ thì Thảo chị chủ yếu ở nhà với con, phụ mẹ chồng nấu ăn và làm các công việc nhà. Vào mỗi đầu tháng, Thảo phải lên huyện để mua thêm một vài nhu yếu phẩm cần thiết mà trong làng không có. Thảo chạy xe đạp men theo con đường đất đi ra huyện, đi ngang khu ở tạm bợ của những người công nhân ở đó. Đây là lần đầu tiên cô nhìn vào khu ở tạm của các công nhân vì bản thân cô cũng không thích sự xuất hiện của “cái làng mới” này. Các nhà tạm được dựng lên hết sức lỏng lẻo, được che tạm bằng những mái tôn, các nhà san sát nhau chỉ cách nhau bởi các tấm gỗ, có lẽ chỉ ở tạm thôi nên người ta cũng không cố gắng làm cho nó kiên cố làm gì, thế nào mà khi công trình xong thì chẳng phải gỡ đi hết, nó có thực sự là cái nhà đâu. Tò mò, Thảo nhìn vào trong vài căn nhà, hầu như các căn nhà đều không được mấy đồ đạc, chắc cũng không có gì quí giá nên mọi người đi khỏi cũng chẳng buồn khóa cửa làm gì. Ở cuối dãy là một căn nhà lớn, ở đó có khoảng hơn 20 trẻ em nhưng chỉ có một người phụ nữ hơi đứng tuổi ngồi trông. Đúng nghĩa là ngồi trông thôi vì bọn trẻ nằm lăn lóc mỗi đứa một chỗ, tự chơi với nhau, đứa nào đứa nấy mặt lem luốc, gầy guộc, ốm đói và đen nhủi, có đứa đất dính đầy người, tóc tai thì rối bù và bị cháy năng. Thỉnh thoảng mấy đứa trẻ giành nhau cái gì đó khóc thì phụ nữ đứng tuổi kia mới can thiệp, nhưng người phụ nữ đó cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi, cố gắng quát tháo đám trẻ để gìn giữ trật tự mà thôi. Thảo bỗng nhớ tới cái Thơ ở nhà, dù cha đi vắng thường xuyên nên thỉnh thoảng cũng hay khóc nhớ cha nhưng vẫn sạch sẽ và đầy đủ. Người phụ nữ thường nhạy cảm nên khi nhìn thấy đám trẻ ở đây, mắt Thảo đỏ hoe, cô gần như muốn khóc nhưng kìm lại được. Thảo dắt xe đạp xuống hỏi chuyện người phụ nữ đứng tuổi mới biết rằng người phụ nữ tên Hoa, các bé ở đây có cha mẹ làm trong công trình, tới tối mới về, vì mưu sinh nên tất cả đi làm, để con ở nhà. Chị Hoa trước cũng vô công trình làm nhưng dần dần sức khỏe không đủ nữa nên mới ở nhà để trông coi các trẻ. Vì sức khỏe không tốt nên cũng chỉ ngồi coi vậy thôi chứ cũng không thể tận tình chăm sóc cả trẻ được, cũng thương các cháu lắm nhưng khi nào các cháu quấy quá thì cũng phải quát cho nhanh, chứ không còn sức mà dỗ nữa.
Tối đó, Thảo tắm cho cái Thơ mà trong đầu cứ nhớ về mấy đứa trẻ của các công nhân xây dựng, không biết giờ này cha mẹ đã về chưa, đã tắm cho chưa hay người vẫn đầy đất cát, đã có cơm ăn chưa. Thời tiết dạo này nắng khô, nhưng đêm nay trở trời, một cơn mưa bỗng ập đến ập đến. Cha mẹ chồng Thảo vừa ăn tối vừa cười nói rất vui vẻ vì nắng đã lâu rồi, ông bà cảm thấy nhức đầu, khó chịu, trời mưa làm ông bà cảm thấy mát mẻ nên tươi rói hẳn lên. Thảo thì lại khác, cùng ngồi ăn với ông bà mà lại cảm thấy rất sốt ruột. Thảo đã tận mắt nhìn thấy những căn nhà hết sức tạm bợ đó, có lẽ là đang mùa nắng nên họ cũng chủ quan, chỉ làm mái bằng những tấm tôn tạm bợ, mà không nghĩ rằng sẽ có một cơn mưa bất chợt như thế này. Mưa tuy đã ngớt nhưng vẫn lích rích mãi tới tận nữa đêm, Thảo không thể nào chợp mắt nổi.
Sáng ra, khi đã làm việc nhà xong, Thảo để cái Thơ chơi với ông bà rồi lấy xe đạp chạy ra chỗ của các công nhân xây dựng, họ đã vào công trường làm việc từ sớm, chỉ còn lại chị Hoa và những đứa trẻ lấm lem ấy. Nhìn vào từng nhà, Thảo thấy đất nền nên ướt ướt nên hẳn tối qua những con người ở đây đã có một đêm lạnh giá, người lớn ướt thì không sao chứ các cháu còn nhỏ bị ướt thì tội nghiệp quá. Thảo tới chỗ chị Hoa hỏi thăm thì được biết là tối qua mưa lớn quá, nhà nào cũng bị ướt cả, mọi người chỉ thấy thêm mấy tấm tôn che thêm lại cho đỡ lạnh thôi. Khi Thảo quan sát kỹ hơn đám trẻ, thì có vẻ một vài cháu đã bị cảm lạnh, ngồi rất lừ đừ. Chị Hoa nói là đã cho cháu uống paracetamol rồi, chỉ làm được đến thế thôi chứ cũng không có cách nào hơn.
Khi đạp xe ra về mà Thảo suy nghĩ mãi, “hay mình gọi thêm mọi người trong làng phụ giúp chăm sóc những đứa trẻ này nhỉ”, vì giờ các chị em trong làng cũng có nhiều thời gian rảnh, đa phần các nhà đều có chồng đi Nam làm gửi tiền về nên cũng không phải làm đồng nhiều như dạo trước, với lại các chị em có thể gặp nhau hằng ngày nói chuyện với nhau cũng vui. Thảo về nhà xin cha mẹ chồng cho mượn căn nhà của anh Hoàng, là anh chồng Thảo, để làm nơi trông giữ các trẻ. Căn nhà đó trước là của ông nội chồng Thảo, sau đó ông nội đã để lại cho cha chồng Thảo, và khi anh Hoàng lấy vợ thì ông đã để gia đình anh sống ở đó. Khi quyết chí vào Nam, anh Hoàng cũng không bán nó đi mà trả lại cho cha mẹ, nói rằng vô Nam sẽ chăm chỉ làm việc mua nhà. Căn nhà đó vẫn đóng cửa, mỗi ngày Thảo chỉ qua quét dọn sơ sơ rồi đóng lại, ở quê thì ai ai cũng nhà rộng thênh thang, không một ai có nhu cầu thuê nhà cả. Mẹ chồng Thảo nghe qua thì bà rất cau có, tự dưng lại đi làm không công cho thiên hạ, theo bà thì con ai nhà nấy phải lo, sao lo giúp người ta được. Bà lại xét nét rằng Thảo vẫn chưa có con trai, chưa có công cán gì cho nhà chồng, lại đòi mượn nhà thì thật là không biết “trời cao đất dày”. Ở vùng quê xa xôi này, quan niệm sinh con trai cho nhà chồng vẫn còn thịnh hành, ai cũng có suy nghĩ như thế nên việc này cũng rất đỗi bình thường. Thực ra, không phải là bà chưa bao giờ dám cãi nhà chồng, lần sinh chồng Thảo, bà đã sinh được hai con trai cho nhà chồng, nên bà đã có một vài lần “vặc” lại mẹ chồng nhưng vẫn được mẹ chồng thương yêu và tha thứ, vì bà mới lập được đại công. Cha chồng Thảo dù tính gia trưởng nhưng lại thương Thảo, tính ông không bao giờ xét nét, ông vẫn cho rằng tới giờ Thảo mới sinh được một đứa là do lỗi ở con ông, chẳng mấy khi ở nhà thì kiếm đâu ra “giống” mà sinh con trai. Thực ra, ông cũng đã nhiều lần đi ngang chỗ ở của những người công nhân, thấy những đứa trẻ tội nghiệp ở đó ông cũng rất thương nhưng vì là đàn ông gia trưởng ở quê, nên ông không bao giờ đề cập tới chuyện đó, nay thấy Thảo đề nghị thì ông đồng ý luôn. Vì ở làng quê phong kiến nên cha chồng đồng ý coi như là chuyện đã được thông qua, mẹ chồng Thảo nhiều lần hậm hực phản đối nhưng chỉ cần ông trừng mắt thì bà lập tức im lặng, cúi đầu, không dám nói thêm nửa lời. Cũng vì chuyện này và Thảo với mẹ chồng thỉnh thoảng vẫn nhìn nhau rất căng thẳng, Thảo biết mẹ chồng không vui nên cũng hết sức nhún nhường với mẹ chồng.
Chuyện mượn nhà thì đã xong nhưng Thảo vẫn lo lắng không biết có ai chịu giúp mình hay không, nếu chỉ có Thảo và chị Hoa thôi thì vẫn không đủ người để chăm sóc trẻ. Thảo đi khắp làng để hỏi mọi người xem có thể bỏ một ít thời gian rảnh để giúp không, vì dù phụ nữ còn lại trong làng ít nhưng các chị em đa phần vẫn có nhiều thời gian rảnh. Trước sự bất ngờ của Thảo, các chị em trong làng hầu hết đều đồng ý giúp đỡ Thảo. Cũng như cha chồng Thảo, các chị em này đã nhiều lần đi ngang chỗ của những người công nhân, họ cũng rất thương các trẻ nhỏ ở đó, nhưng vì phong tục địa phương, không một ai dám nói ra.
Cuối cùng thì nhà giữ trẻ cũng ra đời, các chị em trong làng dọn dẹp sạch sẽ căn nhà của anh Hoàng, trang trí thêm bằng những miếng giấy dán, lấy tre và lá chuối làm thêm mấy đồ chơi đơn giản cho các cháu nhỏ. Nhà trẻ mới này là nơi vui chơi của tất cả các trẻ em trong làng, những nhà mà có cha mẹ đều đi vào Nam làm công nhân, lẫn các trẻ của các công nhân xây dựng. Ở quê, người ta không trả học phí mà trả bằng hiện vật mà nhà mình có. Vào cuối tháng, các gia đình có các cháu ở đây thì gửi cho các cô cam quít, chuối, gạo, có nhà thì gửi các sản phẩm đan lát. Những người công nhân thì không có hiện vật như vậy nên vẫn gửi các cô tiền. Ban đầu Thảo không nhận nhưng mãi sau thì cô cũng nhận, các gia đình đưa cô bao nhiêu thì cô lấy chứ cũng không có mức học phí nhất định.
Nơi đây, có lẽ chưa phải là một nhà trẻ đúng nghĩa, chỉ là nơi các chị em phụ nữ chăm sóc những đứa trẻ mà thôi, không có giáo án, không có phương pháp, và hẳn là không có sư phạm. Nhưng nơi đây, là một nơi đầy tình thương, nơi tập hợp của những con người xuất phát từ tình yêu trẻ một cách vô tư, trong sáng đã chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp mà không mong muốn bất cứ thứ gì cho bản thân mình. Cũng chính nhờ nhà trẻ này, mà mọi người trong làng và những gia đình công nhân ngày càng thân thiết hơn, sự xa lạ và nghi kỵ lẫn nhau thuở trước đã được thay thế bằng sự thấu hiểu và gần gũi. Khi công trình kết thúc, nhiều gia đình công nhân đã rời đi, mang theo con của họ nhưng một vài gia đình đã cảm thấy gắn bó với làng quê này nên đã quyết định ở lại, sinh con đẻ cái ở đây, nhà trẻ vẫn được tiếp tục duy trì. Khi nghe những đứa trẻ gọi “cô ơi, cô ơi” thì những chị em ở đây đều như muốn bật khóc vì hạnh phúc, những tiếng gọi trong trẻo của trẻ nghe thật lay động con tim.
Và rồi mọi thứ cũng giống như trên phim truyền hình, Thảo sau này sinh thêm được hai người con trai, cha mẹ chồng Thảo vui mừng khôn xiết, một kết cục hạnh phúc của anh sỹ quan biên phòng và cô giáo mầm non. Thảo đã gieo đi tình yêu thương một cách vô tư, trong sáng, nên đã nhận lại được quả ngọt. Người đến với người cũng vì bởi một chứ Duyên, mà đôi khi người đến nghề cũng là do duyên số. Thảo chưa bao giờ mơ ước trở thành giáo viên, và cũng không thực sự là một giáo viên mầm non, nhưng tình yêu thương trẻ trong Thảo vẫn tuyệt vời, xứng đáng là một người cô giáo thực thụ.
Thông tin về Chương trình học, chính sách tài chính & đặt hẹn thăm trường
Cơ sở 1:
Trường MN Vườn Yêu Thương Montessori: 860/42/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25, Quận Bình Thạnh, TpHCM
Tel:
Cơ sở 2:
2672/1B Quốc Lộ 1A, Khu phố 4, P. An Phú Đông, Q.12, TpHCM
Tel: