Ba mẹ hãy thử nghĩ mà xem, ba mẹ có thường xuyên thấy một đứa trẻ nào đó “cư xử sai trái” và tự nghĩ rằng đứa trẻ đó cần kỷ luật nhiều hơn? Ba mẹ có thường xuyên thấy con mình cũng có hành vi sai trái của mình và nghĩ điều tương tự?
Có lẽ các lề lối của xã hội đã làm cho các ba mẹ có niềm tin rằng chúng ta phải cứng rắn hoặc nghiêm khắc với con cái của mình, như đe dọa, làm xấu hổ hoặc thậm chí trừng phạt con để đưa con vào nề nếp. Phong cách nuôi dạy con này được giải thích bằng tình trạng mất thăng bằng giữa sự kỳ vọng cao của ba mẹ cho con và khả năng đáp ứng thấp của con đối với kỳ vọng của ba mẹ, hơn thế nữa là một cách tiếp cận tình yêu khá khó khăn từ cả 2 phía.
Mặc dù kiểu nuôi dạy hơi chút độc tài này có thể khiến con “ngoan ngoãn” trong thời gian ngắn, các nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ bị xấu hổ hoặc bị trừng phạt bởi sự kỷ luật phải đối mặt với những thách thức tâm lý về lâu dài. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những trẻ em bị kỷ luật hà khắc hoặc xấu hổ có xu hướng kém hạnh phúc, kém độc lập, kém tự tin, kém kiên cường, hung hăng và thù địch hơn, thường xuyên sợ hãi khi ở gần ba mẹ hoặc người khác hơn dẫn đến thói quen xa lánh và có nguy cơ cao lạm dụng chất gây nghiện và các vấn đề sức khỏe tâm thần khi trưởng thành hoặc có thể sớm hơn từ độ tuổi thanh thiếu niên.
Nguyên nhân do đâu? Đơn giản là không ai thay đổi bản thân khi bị người khác làm cho xấu hổ. Trong thâm tâm, không ai cam lòng làm điều đó một cách hợp tác, mà luôn bị lấn át bởi tâm lý muốn vùng lên phản kháng, hoặc co lại phòng thủ, tệ hơn nữa là dẫn đến thái độ bất hợp tác mà không có bất kỳ ba mẹ nào mong muốn nhận được.
Nào bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau xem xét tình huống này nhé:
Giả sử như ba mẹ đã bị tụt hậu trong công việc. Ba mẹ đang chịu một sức ép vô cùng lớn như thể đang ở dưới họng súng để hoàn thành một bài thuyết trình và bản thảo cuối cùng được đánh giá là cẩu thả với đầy những sai lầm bất cẩn. Ba mẹ biết mình có thể làm tốt hơn, nhưng ba mẹ không được khỏe, bị mất ngủ trong suốt tuần qua, và khi ba mẹ càng lo lắng về sức khỏe của mình, thì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc. Sau khi xem lại bài thuyết trình, sếp của ba mẹ xông vào phòng ba mẹ dữ dội như một cơn bão, đập bản thảo xuống bàn và hét lên, “Đây là cái rác rưởi gì vậy? Đứa con học mẫu giáo của tôi có thể làm tốt hơn thế này! Nếu anh/chị không làm lại toàn bộ điều này vào ngày mai, thì hãy “CUỐN GÓI” ngay khỏi đây!”
Lúc này đây, ba mẹ đang cảm thấy thế nào? Ba mẹ đã cảm thấy mệt mỏi lắm rồi mà giờ còn bị tiêm thêm một liều xấu hổ để cảm giác đau khổ bị đẩy lên mức tuyệt vọng. Ba mẹ chỉ có thể làm việc chăm chỉ để sửa bài thuyết trình vì sợ bị sa thải, và có thể ba mẹ sẽ không bao giờ dám làm thuyết trình nữa trong thời gian tới, nhưng phản ứng của sếp ba mẹ có giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề không? KHÔNG. Phản ứng giận dữ, trừng phạt của sếp chỉ khiến ba mẹ cảm thấy mình không có giá trị gì đáng kể, bị hiểu lầm và bản thân thì rất tức giận. Vấn đề nằm ở cả ba mẹ lẫn sếp của ba mẹ.
Thôi bây giờ, chúng ta hãy dẹp qua ví dụ có vẻ hơi đe dọa vừa qua, dẹp luôn cảm xúc sợ hãi đi, để cùng nhau đến với một bối cảnh có nhiều năng lượng tích cực hơn nhé:
Cùng một kịch bản, ngoại trừ sau khi ba mẹ nộp vài thuyết trình, sếp của ba mẹ lịch sự gõ cửa và hỏi liệu ông ấy có thể vào nói chuyện với ba mẹ một lúc không. Ông ấy ngồi xuống và từ tốn giải thích rằng ông ấy đã xem qua bài thuyết trình và ngạc nhiên rằng nó không được làm tốt như các bài thuyết trình khác mà ba mẹ vẫn thường làm. Ông ấy hỏi liệu mọi thứ có ổn không và thực sự quan tâm tới ba mẹ. Ba mẹ giải thích rằng ba mẹ đã gặp một số vấn đề sức khỏe gần đây và có chút căng thẳng. Sếp của ba mẹ chăm chú lắng nghe và cảm thông, nói rằng ông ấy rất tiếc khi biết rằng ba mẹ đang gặp khó khăn. Ông ấy giải thích rằng ba mẹ sẽ phải ở lại muộn để sửa lại bài thuyết trình vì deadline đang đến rất gần, nhưng sau đó đề nghị ba mẹ nên dành một ngày riêng để nghỉ ngơi và đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu cảm thấy cần thiết.
Giờ đây, ba mẹ cảm thấy thế nào? Hẳn là một cảm xúc nhẹ nhàng hơn, ấm lòng hơn phải không nào, vì mình đã được quan sát, đã được lắng nghe và tôn trọng, đã được thấu hiểu, đã được trao cơ hội làm tốt hơn, và cảm thấy được rằng mình vẫn còn có giá trị. Hẳn là ba mẹ sẽ ở lại muộn và làm việc chăm chỉ hơn để sửa bài thuyết trình tốt nhất có thể. Ba mẹ tự tin nộp bài thuyết trình, về nhà với cảm giác ít lo lắng hơn và được tiếp thêm sức mạnh để cuối cùng gặp bác sĩ để tư vấn tâm lý, điều mà ba mẹ đã né tránh suốt thời gian qua.
Nào bây giờ chúng ta cùng rời khỏi môi trường công việc của ba mẹ để về nhà nhé.
Theo định nghĩa mang đầy tính nhân văn của thế kỷ 21 thì, “NHÀ LÀ NƠI MÀ BAO NHIÊU GIÔNG BÃO CUỘC ĐỜI PHẢI DỪNG LẠI BÊN NGOÀI CỬA SỔ”. Trong lúc ba mẹ nóng nảy khi phải đối mặt với hành vi không tốt từ con, ví dụ như con rất thất vọng về việc bị lạc mất một món đồ chơi mà con không thể sống thiếu; hoặc một số hành động mà ba mẹ nghĩ rằng con nên làm tốt hơn, ba mẹ có thể đã phản ứng theo bản năng bằng cách bêu xấu và trừng phạt một cách vô thức.
Nhưng sự bêu xấu và trừng phạt không bao giờ dẫn đến sự thay đổi lâu dài hoặc tích cực. Thật đáng tiếc, có vẻ như đây là một trong những cách dễ dàng nhất để quát mắng con cái, bắt con ngừng chơi, khiến con xấu hổ bằng lời nói và trừng phạt con bằng hành động, nhưng điều này chỉ khiến ba mẹ mất kết nối với con, tạo ra nỗi sợ hãi và giận dữ ở con, đồng thời làm giảm bớt ảnh hưởng của ba mẹ lên con. Và điều khủng khiếp nhất là, những đứa trẻ thút thít thừa nhận rằng “con cảm thấy ba mẹ không còn yêu con như trước nữa, ba mẹ đang ghét con và không còn muốn nói chuyện với con như trước nữa. Con không còn ai để cùng nói chuyện nữa, chỉ còn bạn gấu bông này nữa thôi …”.
Lúc ở nhà, ba mẹ không cần trừng phạt con cái để dạy con một bài học, cũng như cái cách mà tại cơ quan ba mẹ không cần sự trừng phạt từ cấp lãnh đạo để thay đổi hành vi của mình.
“Nhưng con sẽ học cách cư xử như thế nào đây?”, các ba mẹ thường hỏi.
Và các ba mẹ ơi, hãy trút bỏ toàn bộ những suy nghĩ mệt mỏi và kém hiệu quả đi. Ba mẹ phải ngừng suy nghĩ kiểu như nếu ba mẹ không vạch ra một đường lối cứng rắn, thì con sẽ không học được cách cư xử, đừng làm thế vì sẽ phản tác dụng đấy. Ba mẹ có thể có những tiêu chuẩn cao cho hành vi của con, đồng hành cùng con để điều chỉnh và đáp ứng các nhu cầu cảm xúc của con. Hãy suy nghĩ tích cực rằng không nhất thiết phải là hoặc cái này hoặc cái kia, mà có thể chọn cả hai, “trời không chịu đất thì đất chịu trời vậy”. Điều quan trọng là chúng ta sẽ giúp con thay đổi từ từ cách suy nghĩ tích cực & cư xử đúng mực, có phải đó là mục tiêu ba mẹ hướng đến không nào?
Lần tới khi con có hành động không đúng hay không chuẩn mực, ba mẹ hãy thử đừng nghiêm trọng các hành động, cố gắng thấu hiểu sự thất vọng của con bằng cách nói điều gì đó như, “ba mẹ thấy là con đang gặp khó khăn”, rồi sau đó ôm con thật nồng ấm. Ba mẹ hãy thử mà xem, ba mẹ chắc chắn sẽ ngạc nhiên và thấy thú vị với kết quả của nó đó nha.
(Tham khảo từ nguồn: www.mother.ly).
Thông tin về Chương trình học, chính sách tài chính & đặt hẹn thăm trường
Cơ sở 1:
Trường MN Vườn Yêu Thương Montessori: 860/42/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25, Quận Bình Thạnh, TpHCM
Tel:
Cơ sở 2:
2672/1B Quốc Lộ 1A, Khu phố 4, P. An Phú Đông, Q.12, TpHCM
Tel: